Socola là một trong những nguyên liệu phổ biến và được ưa thích nhất để làm các loại bánh nướng, kẹo ngọt hoặc trong các loại bánh lạnh,.. Dù được sử dụng như thế nào thì ít ai có thể phủ nhận được độ ngon của chúng. Nhưng liệu đi kèm với độ phổ biến của socola có tác hại nào mà chúng ta không để ý đến không? Đặc biệt là khi socola có chứa nhiều đường, caffeine và chất béo bão hòa, và liệu có loại nguyên liệu nào chúng ta không được ăn kèm với socola không? Trong bài viết này mình sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc đó của bạn.
Socola gồm những gì
Trước khi nói đến việc socola không nên ăn với gì thì chúng ta phải hiểu rõ thành phần của socola đã. Khi nhắc đến socola thì một thanh socola tốt sẽ không chứa nhiều hơn 3 đến 4 nguyên liệu:
Ca cao
Đây là nguyên liệu không thể thiếu nếu bạn muốn làm socola. Để có thể thực sự được coi là socola thì thì món đó phải chứa một hàm lượng ca cao tối thiểu. Đó cũng chính là lý do một số người không coi socola trắng là socola thực sự bởi chúng hầu như không chứa tí ca cao nào. Thành phần dinh dưỡng trong 15g bột ca cao sẽ chứa:
Protein: 7g
Chất béo: 6g
Carbohydrates: 13g
Chất xơ: 8g
Trong đó sẽ có các thành phần cần để ý sau:
50mg caffeine
55mg axit oxalic
Bơ ca cao
Bơ ca cao là chất béo ăn được và được tách từ quả ca cao.
Trong sản xuất công nghiệp, chất béo này thường được tách bởi máy ép thủy lực, để ép và tách bơ ca cao. Sau đó chúng được khử mùi và vị để đóng gói và phân phối cho các đơn vị trung gian khác.
Bơ ca cao là nguyên liệu chính để giúp socola có kết cấu đúng chuẩn và giúp cho socola có thể được temper và định hình. Thành phần dinh dưỡng trong 14g bơ ca cao sẽ chứa:
Chất béo: 13.6g
Vitamin E: 0.2mg
Vitamin K: 3.4mcg
Chất tạo ngọt
Chất tạo ngọt thường đường sử dụng nhất chính là đường mía, tức là loại đường trắng ta hay dùng trong nấu ăn hằng ngày.
Hàm lượng đường trong socola có thể khác nhau. Socola đen sẽ chứa từ 20-40% đường trong khi đó, socola trắng và socola sữa sẽ chứa 40% hoặc nhiều hơn.
Loại đường được sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến vị của socola.
Ta Không nên ăn socola với gì?
Vậy là bạn cũng biết được sơ qua về thành phần chính của socola rồi. Câu hỏi bây giờ là ta không nên ăn socola với gì?
Về sức khỏe
Bạn có thể thấy socola chứa kha khá đường và chất béo. Đường và chất béo cũng có mặt trong rất nhiều đồ ăn hàng ngày khác của chúng ta.
Đồng thời, trên thực tế, gần như mọi nguyên liệu đều có thể được ăn kèm và đã được thử nghiệm với socola, từ sữa, hoa quả, rượu bia cho đến các loại món mặn như… thịt.
Vậy nên nếu bạn không gặp vấn đề gì về sức khỏe thì bạn có thể ăn kèm socola với mọi nguyên liệu khác mà không gặp vấn đề gì miễn là bạn chỉ ăn tối đa 30-60g socola một ngày (lượng socola tối đa khuyên dùng để được tiêu thụ trong một ngày).
Về hấp thụ dinh dưỡng
Ca cao có thể khiến bạn khó hấp thụ kẽm. Lý do là bởi trong ca cao có chứa nhiều tannate. Tanate sẽ hình thành liên kết với chất khoáng trong khẩu phần ăn của bạn. Liên kết này rất khó để phá vỡ, vậy nên ăn socola sẽ khiến bạn không hấp thụ được lượng kẽm trong món bạn ăn. Vậy nên sau khi ăn các đồ ăn giàu kẽm như hàu, thịt đỏ, đậu hoặc các loại hạt khô thì bạn nên hạn chế ăn socola nếu bạn đang gặp vấn đề về hấp thụ khoáng.
Lầm tưởng về socola và sữa
Nhiều trang web cho rằng ta không nên ăn socola và các thực phẩm giàu canxi khác để phòng tránh bệnh sỏi thận. Thực tế đây là lầm tưởng rất tai hại và rất nhiều báo mạng đã copy của nhau mà không nghiên cứu một cách chính xác.
Đúng thật là bệnh sỏi thận thường được gây ra bởi canxi oxalat, nhiều người nghĩ họ cần hạn chế việc tiêu thụ canxi để tránh sỏi thận. Tuy nhiên, Sự thật lại hoàn toàn ngược lại, khi bạn ăn socola bạn cần …uống thêm sữa để phòng tránh sỏi thận! Lý do là bạn cần ăn đủ canxi để có thể giúp liên kết và loại bỏ axit oxalic trong ruột và dạ dày trước khi axit oxalic đi xuống thận.
Không uống sữa và ăn các thực phẩm chứa canxi khi và sau khi ăn socola chỉ khiến bạn dễ bị thiếu hụt canxi và gia tăng khả năng bị sỏi thận hơn mà thôi.
Nguồn: https://www.kidney.org/atoz/content/calcium-oxalate-stone
https://soithan.vn/nguy-hai-cua-chat-oxalat-voi-benh-soi-than
Những lầm tưởng khác về socola
1. Socola chứa nhiều caffeine
Đúng thật là socola có chứa caffeine nhưng hàm lượng caffeine trong socola sẽ thấp hơn nhiều so với cà phê. Một thanh socola 40g hoặc một cốc socola sữa tầm 200ml sẽ chứa tầm 6mg caffeine, một cốc cà phê với thể tích tương tự sẽ chứa khoảng 60-130 mg caffeine.
2. Socola có chứa nhiều chất béo bão hòa và gây hại cho hàm lượng cholesterol của bạn
Chất béo bão hòa được tìm thấy trong socola chủ yếu là axit stearic. Loại chất béo này không làm gia tăng cholesterol giống như các loại chất béo bão hòa khác.
3. Socola gây đau đầu
Dù thường được coi là nguyên nhân gây đau đầu nhưng một nghiên cứu ở đại học Pittsburgh được xuất bản trên tạp chí thần kinh Cephalalgia đã cho thấy không có mối liên quan giữa socola và đau đầu. Nghiên cứu đã được thực hiện trên 63 tình nguyện viên với chứng đau đầu thường xuyên và đã loại bỏ socola khỏi nguyên nhân khiến họ mắc căn bệnh này
Nguyên nhân có thể khiến cho nhiều người nghĩ như vậy có thể bởi trước khi nhiều người bị đau đầu thì họ sẽ thèm ăn socola. Điều này cũng đúng đối với phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt, hormone estrogen của họ sẽ giảm đột ngột và khiến phụ nữ thèm ăn socola và đồng thời nhức đầu. Khi điều này xảy ra nhiều lần, một số người sẽ nghĩ rằng ăn socola sẽ khiến họ bị đau đầu nhưng trên thực tế thì không phải.
Lời kết
Socola không chứa những thành phần quá đặc biệt khiến cho bạn phải kiêng kết hợp với một số loại đồ ăn cụ thể. Thay vào đó, bạn nên để ý hơn đến hàm lượng và thời gian tiêu thụ socola trong ngày, dù socola có nhiều lợi ích tốt nhưng bạn cũng nên tránh việc ăn socola quá nhiều. Nếu bạn gặp vấn đề về hấp thụ khoáng thì bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa kẽm trước khi ăn socola.